Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 03, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để Chỉ thị 05 đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ và mang lại hiệu quả thiết thực, các Nhà trường quân đội cần quán triệt, thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trong toàn đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Thông qua đó, làm cho mọi tổ chức, cá nhân nhận thức đầy đủ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn của Đảng, vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài của sự nghiệp cách mạng; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn là nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trên cơ sở nắm vững nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đối chiếu với chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi người và mỗi cơ quan, khoa và đơn vị “tự soi”, “tự sửa”, tự phấn đấu; coi đó là công việc thường xuyên, hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể, thiết thực của mình. Hình thức giáo dục, tuyên truyền phải luôn được đổi mới, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, khoa, đơn vị và từng đối tượng; kiên quyết khắc phục sự rập khuôn, máy móc, xơ cứng, hoặc làm một cách hình thức, không thực chất, v.v.
Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu của cán bộ chủ trì ở các cấp trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Trong đó, các cấp ủy cần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động, đồng thời gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết khâu yếu, mặt yếu ở từng cơ quan, khoa và đơn vị. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện với phương châm: trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học tập đi đôi với làm theo, chú trọng việc “làm theo” bằng những hành động cụ thể, thiết thực; kết hợp giữa “xây” với “chống”, lấy xây làm chính; đưa nội dung Chỉ thị 05 vào các nội dung giảng dạy cho các đối tượng. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chí cơ bản trong đánh giá, bình xét, thi đua, khen thưởng hằng năm đối với các tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng. Việc nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ nói suông, vận động suông mà phải trở thành những quy định, sự ràng buộc trách nhiệm để mọi cơ quan, khoa, đơn vị và từng người tự giác thực hiện.
Ba là, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chí về nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho từng đối tượng. Động viên, khuyến khích, hướng dẫn mọi cán bộ, giảng viên và học viên tự giác đăng ký, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc nhỏ nhất, thường ngày gắn với yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, mục tiêu và yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, từng lĩnh vực. Để làm được điều đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa và đơn vị cần nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung Chỉ thị 05; bám sát đặc điểm, tình hình đơn vị, vị trí, chức năng của các tổ chức và chức trách, nhiệm vụ, mục tiêu và yêu cầu đào tạo của từng đối tượng để chỉ đạo xây dựng hệ thống tiêu chí cho phù hợp.
Bốn là, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, khoa và đơn vị. Nhân rộng điển hình tiên tiến là hình thức giáo dục thực tiễn sinh động, hiệu quả, tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong hoạt động học tập, công tác, có sức lan tỏa mạnh mẽ, bảo đảm cho Chỉ thị 05 đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến cần được làm thường xuyên, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi người, mỗi cơ quan, khoa và đơn vị; khắc phục tình trạng “chờ” tới hội nghị tổng kết, sơ kết mới biểu dương, tuyên dương. Mặt khác, phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí của tập thể, cá nhân điển hình làm cơ sở để phấn đấu, bình xét, khen thưởng; kết hợp chặt chẽ giữa nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 05 với điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng và các phong trào, các cuộc vận động khác. Các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, có sức thuyết phục cao, góp phần làm lan tỏa những tấm gương điển hình tiêu biểu xuất sắc ở từng cơ quan, khoa và đơn vị; đồng thời, thẳng thắn phê phán những tổ chức, cá nhân nhận thức chưa đúng, thực hiện chưa hiệu quả, chưa thấy hết giá trị, ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Năm là, Duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05 ở các cơ quan, khoa và đơn vị, kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, yếu kém, nhất là những yếu kém trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng, kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất; kiểm tra thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; tổ chức đảng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Qua kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện nơi làm tốt, việc làm tốt, mô hình hay để kịp thời biểu dương, nhân rộng và chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa tạo thành phong trào rộng khắp trong đơn vị, v.v.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) ở các Nhà trường quân đội đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên căn cứ vào đặc điểm của từng Nhà trường, từng đối tượng đào tạo, từng nhiệm vụ cụ thể mà lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, khoa và đơn vị biết tập trung vào khâu yếu, mặt hạn chế nhất để tập trung đột phá nhằm làm cho mọi quân nhân trong đơn vị nhận thấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm của cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên và chiến sĩ đối với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Đồng thời, là cơ sở để xây dựng các Nhà trường quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.