THỜI GIAN

MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Phạm Trần lừa bịp được ai?

Trong danh sách những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, Phạm Trần là một trong những kẻ hăng hái nhất. Mới đây, trên trang mạng “danlambao”, y lại đăng tải một bài viết với tiêu đề hết sức xấc xược: “Những cái đầu đất sét made in Việt Nam”. Giọng điệu đầy cay cú trong bài viết cho thấy, Phạm Trần cuồng loạn trên con đường chống phá Đảng và chế độ ta.
Thứ nhất, lặp lại những xuyên tạc cũ rích về công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền của nhân dân ta. Với luận điệu hồ đồ: “Nước Việt Nam đã có độc lập trên hình thức nhưng lãnh thổ không vẹn toàn là của Việt Nam”!, Phạm Trần lớn giọng thách thức: “Đã có ai trong Đảng Cộng sản Việt Nam chứng minh được lãnh thổ Việt Nam không bị Trung Hoa chiếm một mảng lớn trên đất liền, sau 2 cuộc chiến tranh biên giới 1979-1990?”. Không hiểu ông ta không chịu đọc, không chịu tìm hiểu lịch sử, hay biết rồi mà cố tình nhắm mắt xuyên tạc sự thật rằng: sau hai cuộc chiến tranh biên giới, với tinh thần dấu tranh anh dũng, kiên cường, quân và dân ta đã bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không để một tấc đất nào của cha ông bị rơi vào tay kẻ thù xâm lược. Đảng, Nhà nước ta luôn đưa ra quan điểm và chứng cứ sáng tỏ cho điều đó. Phạm Trần cho rằng, trước đây ta nói “nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau” nay chuyển thành nước Việt Nam từ “Cao Bằng đến mũi Cà Mau” tức là ta đã chấp nhận mất một phần lãnh thổ. Đây là luận điệu hết sức nhảm nhí. Vì sao? Thứ nhất, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định điểm cực Bắc của đất nước là Lũng Cú – Hà Giang, không phải từ Cao Bằng, đó chỉ là câu nói xuyên tạc của Phạm Trần. Thứ hai, không có ai vì câu nói “nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau” mà cho rằng Ải Nam Quan là một phần lãnh thổ của Việt Nam trong lịch sử. Sự thật là gì? Ải Nam Quan, thực ra là từ để chỉ cả dãy núi vắt dài từ Việt Nam sang Trung Quốc (như ải Chi Lăng), ở đây có Trấn Nam Quan (cửa ải để trấn phương Nam) nằm bên phần đất Trung Quốc do các triều đại phong kiến Trung Quốc xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay. Biên bản hoạch định Pháp – Thanh năm 1886 quy định rằng đường biên giới “nằm ở phía Nam ải Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng”. Khi phân giới, hai bên đã cắm mốc số 18 để xác định đường biên giới và vị trí của mốc này cũng được mô tả là nằm trên đường từ Nam Quan đến Đồng Đăng (mốc này đã bị mất); còn trên bản đồ cắm mốc Pháp – Thanh năm 1894 thì địa danh Nam Quan nằm ở phía Bắc đường biên giới. Như vậy, đường biên giới luôn luôn ở phía Nam của Nam Quan, chứ không phải đi qua địa danh đó. Phạm Trần nếu chưa biết cứ liệu lịch sử này, thì tìm hiểu cho có ngọn có ngành, rồi nói sao cho đúng.
Còn về việc bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, không cần nói thì ai ai cũng biết, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chưa bao giờ “buông bỏ” những phần lãnh thổ thiêng liêng này của dân tộc. Chúng ta vẫn đang đấu tranh không ngừng nghỉ để đòi lại những phần lãnh thổ đã bị nước ngoài chiếm giữ trái phép, đồng thời bảo vệ vững chắc từng hòn đảo, từng bãi đá, từng mét nước biển khơi. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể mà Đảng ta chủ trương sử dụng biện pháp đấu tranh nào cho phù hợp, hiệu quả. Chiến tranh chỉ là biện pháp cuối cùng. Cái mà Phạm Trần nói rằng ta “không dám đụng tới quân Tàu đang kiểm soát” là gì? Phải chăng theo ông cứ phải “nhắm mắt nhắm mũi” phát động chiến tranh, không cần cân nhắc đến bất cứ thứ gì khác thì mới là bảo vệ chủ quyền?
Thứ hai, tiếp tục đánh tráo bản chất của cuộc kháng chiến chốngPháp và chống Mỹ của nhân dân ta. Phạm Trần, một lần nữa, cũng như những “đồng bọn” của ông ta đã từng làm, là quy hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta thành những cuộc “nội chiến”! Luận điệu này, như nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản bác, đó là sự xúc phạm to lớn đối với lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã không tiếc máu xương, chiến đấu, hy sinh đánh đuổi những kẻ thù xâm lăng hung bạo nhất, bảo vệ độc lập dân tộc. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vĩ đại ấy không chỉ có ý nghĩa đối với chính dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trên thế giới. Tinh thần đấu tranh ngoan cường, bất khuất của dân tộc ta được cả thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh. Sự hy sinh, mất mát của mỗi một người dân, mỗi một người lính trong hai cuộc chiến tranh ấy đều mang ý nghĩa sâu sắc, bởi nó góp phần đem lại nền độc lập cho đất nước. Cớ làm sao mà Phạm Trần lại coi đó như những cái chết oan uổng do Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra?! Sự xúc phạm này không một người dân Việt Nam nào có thể dung thứ được cho ông.
Thứ ba, cố tình quy kết sai lầm, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện cải cách ruộng đất thành bản chất của Đảng ta. Công cuộc cải cách ruộng đất do Đảng ta thực hiện vào những năm 1953-1956 đến nay vẫn là một trong những “cái cớ” để những kẻ phản động như Phạm Trần không ngừng quy kết, thổi phồng, xuyên tạc để nói xấu Đảng. Thực tế, Đảng ta tiến hành cải cách ruộng đất với mục đích hoàn toàn tốt đẹp: 1. Tịch thu tài sản ruộng đất do người Pháp, người dân di cư, hay Việt gian (những người theo Pháp) bỏ lại, hay bỏ hoang vì chiến tranh;2. Phân chia cho tá điền; 3. Cắt giảm địa tô; 4. Bãi bỏ mọi khoản tiền thuê ruộng; 5. Phục vụ cho nhiệm vụ tối cao của dân tộc lúc đó là đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta đã mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công khai nhận khuyết điểm và xin lỗi trước nhân dân, đồng thời triển khai kế hoạch sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Nhân dân ta ghi nhận sự thẳng thắn, trung thực, dám nhận trách nhiệm đó của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục một lòng tin theo sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Không có cớ gì chỉ vì những sai lầm, khuyết điểm đó mà lại cho rằng Đảng ta “nhúng tay tàn sát hàng chục ngàn nạn nhân” như Phạm Trần vu khống. Trải qua thời gian, với đủ độ lùi lịch sử cần thiết để nhìn nhận lại sự kiện đã qua, nhân dân ta vẫn chưa bao giờ coi đó là một “tội ác” của Đảng như những kẻ phản động như Phạm Trần đang cố tình quy kết, áp đặt.
Thứ tư, Phạm Trần bộc lộ rõ hơn sự non kém, đuối lý của mình. Trong cả bài viết, với giọng điệu đầy tính mỉa mai, bằng những ngôn từ ngông ngáo, xấc xược như “đầu đất sét”, “ấm ớ”, “cố bao biện”… Phạm Trần tìm mọi cách để hạ bệ những lập luận khoa học đầy sức thuyết phục của đồng chí Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; của Giáo sư Tạ Ngọc Tấn – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Nhưng khổ nỗi, giọng điệu và ngôn từ ấy không đủ sức để che đi sự đuối lý của mình. Ông đưa ra những trích dẫn bài viết của các nhà khoa học này để bôi nhọ, đả phá, nhưng càng đưa ra bao nhiêu, người đọc lại càng thấy những lập luận của các nhà khoa học này lại giàu sức thuyết phục bấy nhiêu, còn lập luận, suy diễn của ông ta thì ngược lại, hoàn toàn nhảm nhí và không có bất kỳ một sức thuyết phục nào.
Phạm Trần chẳng những không lừa bịp được ai, mà còn bộc lộ hết thảy mọi sự dốt nát của ông ta. Thay vì ngồi đó chửi bới lung tung, Phạm Trần nên giành thời gian học lại, suy nghĩ lại những điều mà ông ta đang đề cập đến. Chừng nào đủ kiến thức và sự tỉnh táo, ông ta sẽ tự khắc thấy được tất cả những sai lầm, hồ đồ, nhảm nhí của mình./.
Tác giả: Anh Đài
 Nguồn: www.nhanvanviet.com

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

LỜI TRI ÂN TỪ HỌC VIÊN

 NHÂN DỊP NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3, THAY MẶT THẾ HỆ HỌC VIÊN NHÀ TRƯỜNG TẶNG THẾ HỆ PHỤ NỮ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHÍNH TRỊ

Bên “Vườn hoa Phụ nữ” giữa ngày xuân
Lòng Chị ngân nga câu Quan họ
Lời mượt mà quyện màu xanh Thành Cổ
Thêu dệt bức tranh đẹp mái trường này.
                 Hơn bốn chục năm gắn bó nơi đây
                 Các Chị cùng Thầy, Cô sánh bước.
                 Ngàn vạn con tim trên mọi miền Tổ quốc
                 Không mờ phai bóng dáng những “Chị hiền”.
Khi gió Đông về, lạnh bếp học viên
Trăn trở làm sao cho thức ăn luôn nóng.
Lúc ốm mệt, nhận từng viên thuốc đắng
Tay Chị trao, tôi ngọt ấm trong lòng.
                 Tài liệu, giáo trình, tri thức mênh mông
                 Tìm sao được nếu thiếu bàn tay Chị.
                 Gần trăm giảng đường mấy khi ngơi nghỉ
                 Sạch, gọn gàng có “Cô Tấm” chăm lo.
Đường phong quang, tô đẹp những khóm hoa
Nhờ tiếng chổi tre sau đêm mưa, gió bấc.
Dòng mồ hôi bên cửa lò đốt rác
Nhắc chúng tôi trân quý sức con người.
                 Phía sau Chị còn cả một tương lai
                 Những đứa trẻ tan tầm chưa kịp đón
                 Ông bà ở xa, phải nhờ hàng xóm
                 Ăn “trực” bữa cơm. Mẹ bận, chưa về.
Mùa nóng oi, mất điện giữa đêm khuya
Ngồi thức quạt cho con thơ ngon giấc
Trời sáng dần mà chưa hề chợp mắt
Báo thức, kèn vang giục giã mẹ rồi.
                 Bao nỗi niềm, tôi hiểu lắm Chị ơi!
                 Công ơn ấy đâu cần ghi sử sách  
                 Vẫn theo tôi đi dọc ngang trời đất
                 Cùng tình yêu tha thiết mái trường này./.
TÁC GIẢ: Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị.