THỜI GIAN

MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Thực chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay

Thực chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay


Trong những năm gần đây, Mỹ và các thế lực thù địch dựng lên cái gọi là “vấn đề nhân quyền ở Việt Nam”, liên tục cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền, thiếu tự do dân chủ, đàn áp dân tộc, tôn giáo, đàn áp những người bất đồng chính kiến…

     Vậy thực chất “vấn đề nhân quyền ở Việt Nam” hiện nay là gì? Phải nói ngay rằng, đối với Việt Nam hoàn toàn không có “vấn đề nhân quyền”. Từ khi thành lập đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quyền con người được phát huy là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam những năm qua.
     “Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam” hiện nay thực chất nằm ở âm mưu chính trị đen tối của Mỹ và các nước phương Tây. Như mọi người đều biết, nhân quyền, hay quyền con người (Human Rights) là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thoả thuận pháp lý quốc tế. Nhân quyền là một trong những thành quả lớn lao của nền văn minh nhân loại, là giá trị mà các quốc gia dân tộc có thể chia sẻ. Quyền con người là quyền của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại, vừa mang tính phổ quát toàn thế giới lại mang tính lịch sử cụ thể.

     Tính phổ quát của quyền con người ở mỗi quốc gia, không kể hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị - xã hội, kinh tế và văn hoá đều có những giá trị chung giống nhau, không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau. Hội nghị toàn thế giới về nhân quyền tại Viên năm 1993 đã khẳng định: Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau”[1]..  

     Tính lịch sử, cụ thể của quyền con người phản ánh những giá trị đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về chính trị, lịch sử, văn hoá, tôn giáo. Các quốc gia khi xử lý các quyền con người “Phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực, bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo”[2].Khi thực hiện các quyền con người phải kết hợp đúng đắn giữa các nguyên tắc và các chuẩn mực nhân quyền của Liên hợp quốc với điều kiện thực tế của nước mình.

     Ngày nay, vấn đề quyền con người gắn rất chặt với các quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia vì nó là một bộ phận của quá trình phát triển nội tại của từng nước. Do vậy, không có mô hình thực hiện nhân quyền cho mọi quốc gia và không thể sao chép nguyên si mô hình bảo đảm nhân quyền của một nước ở châu Mỹ hay châu Âu vào Việt Nam. Mỗi nước có mô hình riêng, đó là lẽ phải không ai chối cãi được, nó đã trở thành những nguyên tắc ứng xử, những chuẩn mực pháp lý quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong các bản Tuyên ngôn, các Công ước quốc tế về nhân quyền.

     Thế nhưng, từ chỗ cho rằng, nội dung, tiêu chuẩn của nhân quyền là tuyệt đối, bất biến, là ý tưởng chính trị duy nhất, các nước tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ đã giải thích nhân quyền như là những tự do không bị cấm đoán, không bị giới hạn. Mục đích của họ là cổ xuý cho một thứ "tự do hoang dã", vô chính phủ, mà thực chất ở đó chỉ có một thứ "luật rừng" ngự trị; những kẻ mạnh có quyền lực vô biên, những kẻ yếu thì bị tước mất quyền. Đó là thứ tự do phá hoại, tự do dẫn tới huỷ diệt, không phải là tự do chân chính, tự do tạo ra khả năng cho phát triển nhân cách của tất cả mọi người và càng không phải là thứ tự do để thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn.

     Xuất phát động cơ lợi ích riêng, chúng đã dùng ngọn cờ nhân quyền để tiến công chủ nghĩa xã hội và các nhà nước có quan điểm không đồng nhất với họ. Nhân quyền được chủ nghĩa đế quốc đem ra làm thứ “vũ khí” với cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không có biên giới quốc gia” để áp đặt giá trị Mỹ, phương Tây lên các quốc gia, dân tộc khác, chống lại nhân loại tiến bộ, trong đó Việt Nam là một trọng điểm. Trên phạm vi quốc tế, sử dụng vấn đề nhân quyền, chủ nghĩa đế quốc đã tiến hành chiến lược "diễn biến hoà bình" diễn ra song song với cuộc đấu tranh vũ trang ngay từ khi Nhà nước công nông đầu tiên ra đời (1917). Từ giữa thập kỷ 80, thế kỷ XX, nhất là dưới thời tổng thống J. Carter (Mỹ), nhân quyền trở thành vấn đề hết sức nóng bỏng và nhạy cảm của xã hội, nó đã trở thành yếu tố gây chia rẽ giữa các dân tộc, tạo cớ tiến hành chiến tranh, gây cảnh tàn phá, chết chóc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lợi dụng cải tổ, cải cách, đổi mới, chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh chiến lược này kết hợp với bạo loạn, lật đổ hòng làm thay đổi chế độ xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa. Có thể nói các cuộc "cách mạng mầu" ở Đông Âu, "cách mạng hoa nhài" ở Trung Đông, Bắc Phi là những hệ luỵ trực tiếp của đường lối chính trị hoá vấn đề nhân quyền của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trên thế giới. Chẳng thế mà ngày nay các thế lực thù địch đang mơ sẽ có "cách mạng hoa sen" ở Việt Nam.

     Hiện nay, việc thực hiện đầy đủ quyền con người hay không ở các quốc gia là một vấn đề khá gay gắt. Xã hội ngày càng phát triển, văn minh và tiến bộ làm cho quyền con người cũng luôn phát triển nên hiện nay, trên thế giới không phải quốc gia nào cũng có thể đảm bảo được tất cả mọi quyền cho công dân của họ. Và nếu vấn đề này được thực thi không chặt chẽ, bọn phản động và các thế lực thù địch bên ngoài nắm bắt được sẽ là một điểm yếu của quốc gia và sẽ trở thành mối đe doạ vô cùng nguy hiểm cho an ninh của đất nước. Vì kẻ thù sẽ triệt để lợi dụng sự yếu kém này kích động nhân dân làm cách mạng phi nghĩa hay mượn tay các thế lực thù địch bên ngoài nhằm để lật đổ chính quyền, thay đổi hệ thống chính trị quốc gia. 

     Đối với Việt Nam, quan điểm về quyền con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hoá dân tộc và xem xét, chọn lọc những tiêu chuẩn về quyền con người được thế giới thừa nhận rộng rãi. Chủ nghĩa Mác- Lênin đã chỉ ra rằng khái niệm nhân quyền hay “quyền con người” là một phạm trù lịch sử: Quyền con người không phải chỉ là các quyền mang tính tự nhiên mà luôn gắn với cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, gắn với trình độ phát triển và tiến bộ xã hội trong từng thời kỳ. Quyền con người bao giờ cũng phụ thuộc vào phương thức sản xuất, với quan hệ sản xuất thống trị quy định nên chế độ chính trị- xã hội ấy. Quyền con người luôn mang tính giai cấp.

     Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác- Lê-nin và chủ nghĩa yêu nước chân chính; là sự kết hợp giữa chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa với truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc Việt Nam, giữa lý luận mác-xít và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Quan điểm trên được Người thể hiện bằng bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, được đọc trong ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”[3].

     Kế thừa và phát huy giá trị của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống văn hoá dân tộc, quan điểm nhất quán và xuyên suốt về quyền con người của Đảng và Nhà nước ta là: “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”[4]Chúng ta quan niệm không thể có thứ tự do nào mà không có trách nhiệm đi kèm. Bởi lẽ, nếu tự do là tuyệt đối, thì tự do không hạn chế của người này sẽ dẫn tới sự vi phạm quyền con người của người khác và lẽ đương nhiên là đem lại các tai hoạ cho xã hội.

     Quyền con người ở nước ta trước hết là quyền được làm công dân của một nước độc lập, tự do, quyền được sống bình đẳng và mức sống không ngừng được nâng cao. Quyền của mỗi người riêng lẻ phải gắn với vận mệnh và quyền của cả cộng đồng và của toàn dân tộc, với nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyền con người thống nhất với quyền dân tộc cơ bản, nhân quyền không được cao hơn chủ quyền. Thực thi quyền con người phải dựa trên cơ sở ưu tiên bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, chủ quyền quốc gia. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào những người cộng sản không được phép lơ là, mất cảnh giác trước những luận điệu sai trái về quyền con người của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế.

     Từng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân và phải trả bằng xương, máu trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam hiểu hơn bao giờ hết giá trị của độc lập, tự do. Đảng và Nhà nước Việt Nam trước sau như một, kiên trì quan điểm giải quyết vấn đề quyền con người trên nguyên tắc nhân quyền không được cao hơn chủ quyền, bảo đảm quyền con người phải căn cứ vào hoàn cảnh kinh tế - xã hội và truyền thống văn hoá, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. 

     Hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” (chủ yếu trong lĩnh vực chính trị - tư tưởng, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo) của chúng. Chúng ta chủ trương giải quyết vấn đề quyền con người bằng đối thoại hoà bình và mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống âm mưu và luận điệu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Trước âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, các cấp, các ngành cần tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp sau:

      Một là, làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt trong công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền nói chung và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam về nhân quyền trên các lĩnh vực chính trị  - xã hội nói riêng.

     Hai là, tập trung thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế  - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân ở các vùng chiến lược, các địa bàn trọng điểm. Thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách đất đai, chính sách cán bộ; nắm chắc tâm tư, tình cảm của quần chúng, vận động các tầng lớp nhân dân đề cao trách nhiệm công dân, giải quyết tốt các mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân, xây dựng sự đồng thuận trong xã hội. Không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống.

     Ba là, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật đi đôi với kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nghiên cứu ban hành các luật liên quan đến quyền con người; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật và điều luật không còn phù hợp. Đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phổ biến rộng rãi các công ước và văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Namtham gia ký kết; nghiên cứu tham gia các công ước quốc tế về quyền con người.

     Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá ta ở vùng dân tộc. Cần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, làm thay đổi rõ nét về mọi mặt kinh tế  - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc và miền núi.

     Năm là, đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống quy phạm pháp luật về tôn giáo, chấp hành nghiêm Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, chuẩn bị các điều kiện tiến tới xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta cũng như trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tôn giáo - nhân quyền. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.

[1] Các Văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Nxb CTQG, H. 2002, tr.43.
[2] Sđd, tr.44.
[3]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr 12
[4] Cương lĩnh Cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia 1998. tr.120.
Tác giả: Đại tá, PGS, TS Đỗ Mạnh Tôn
Nguồn: Viện Khoa học Xã hội & Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét