THỜI GIAN

MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

“Để một mai tung cánh hướng chân trời…”

     Như một cơ duyên, trong lần tham gia Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh tổ chức, tôi được đọc một bài thơ của một người lính trong thời bình…Trên con đường khám phá vẻ đẹp văn chương, không ít lần tôi cảm nhận được nét đẹp của những hồn thơ chiến sĩ, đó là vẻ đẹp của người chiến sĩ nông dân áo vải, là vẻ đẹp của người lính Hà Thành oai hùng, hào hoa, hay là vẻ đẹp của anh giải phóng quân trong những bài thơ mà tôi đã từng đọc. Tôi cứ ngỡ, những trang thơ viết về người lính chỉ có thế, và có chăng hình tượng của người lính chỉ lung linh trong thời chiến, còn thời bình thì…thật hiếm! Nhưng cho đến ngày hôm nay, khi tôi đọc bài thơ “40 mùa chim xây tổ” của Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị, tôi mới nhận ra bấy lâu nay mình đã thật nhầm…
     Tôi nhận ra chất thơ trong tâm hồn của người lính. Cứ ngỡ rằng quân đội là khô khan, quân sự chỉ biết đến hành quân và súng đạn, nào đâu có chỗ cho thơ ca, giờ mới vỡ, có những lúc hồn lính cũng “thơ” đến thế “Sắc màu nhân văn lan tỏa nơi nơi/ Bên cây súng luôn có đàn, có sách”. Đọc hai câu “Hoa khoe sắc bên dây phơi áo lính/ Giúp thăng hoa “câu quan họ yếm đào”, tôi hình dung ra một người chiến sĩ được quyện hòa bởi hai nét đẹp: một nét đẹp đậm chất lính” và một nét đẹp đậm chất nghệ sĩ. Bởi lẽ, đâu phải ai cũng nhìn ra vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên ở những chốn tưởng như là bình thường nhất? Trong một khung cảnh rất đời thường “dây phơi áo lính”, người chiến sĩ lại nhìn ra một nét đẹp rất… thơ.  Ở một nơi người ta có thể dễ dàng lãng quên thì tác giả lại nhớ, nhớ với một kỉ niệm, nhớ với một hình ảnh nghệ thuật. Và câu tiếp Giúp thăng hoa “câu quan họ yếm đào” như một nốt thăng cho phẩm chất nghệ sĩ ấy. Hoa đẹp khiến câu quan họ nên thơ, hay chính tâm hồn đậm chất thơ nên nhìn đâu cũng cảm nhận được vẻ đẹp?
     Tôi nhìn thấy khát khao của một người lính. Khát khao hòa bình ư? Sẽ là chưa đủ. Tầm nhìn của tác giả còn xa hơn hơn thế. Nếu chỉ đọc nhan đề “40 mùa chim xây tổ”, có lẽ, đa phần chúng ta chỉ nghĩ đến quá trình hình thành, quá trình vun đắp Thế nhưng, khi để tâm, người ta còn thấy một khát khao đọng lại ở cuối bài: “Để một mai tung cánh hướng chân trời”. 40 năm là một chặng đường gian lao cùng nhân dân dựng xây đất nước. Oai hùng có, bi thương… cũng có. Người ta nói: “Ôn cố tri tân” - nhìn lại điều cũ để hướng tới điều mới là vậy. Nhìn lại chặng đường đã đi với gian nan, nhọc nhằn, với những hy sinh đã làm nên màu cờ sắc áo, khói hương đau thương của ngày hôm qua đã nhuộm xanh hy vọng của ngày hôm nay. Là người đứng đầu của ngôi trường có tuổi đời hơn 40 năm, dường như tác giả đặt tất cả niềm kì vọng vào các thế hệ sau. Những đàn chim không chỉ về xây tổ mà còn tung cánh trên những miền đất mới, những chân trời mới. Chiến tranh đã đi qua, những kí ức về thời trận mạc đã trở thành dĩ vãng, gìn giữ đất nước chưa bao giờ là đủ. Thời bình, gìn giữ phải đi liền với phát triển, xây tổ nhưng cũng đừng quên tung cánh giữa không trung - phải chăng, đây là điều tác giả muốn gửi gắm?

     “Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trên thực tế và trong những trang sách…”. Hành trình khám phá vẻ đẹp văn chương của tôi cũng thú vị biết bao khi được đọc những trang viết đậm chất thời đại như bài thơ này. Cảm ơn tác giả vì đã cho độc giả thưởng thức một bài thơ hay. Cảm ơn chất thơ của một người lính đã giúp tôi nhận ra chất thơ của mọi người lính. Cảm ơn thế hệ đi trước đã nhắc nhở thế hệ đi sau một nhiệm vụ vẻ vang!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét